Friday, September 9, 2016

Chuyện quả báo


Không Tôn Giáo Nào Cao Hơn Chân Lý

 HOME TÌM HIỂU  NHẬP MÔN  SÁCH  TIỂU SỬ   BẢN TIN   HÌNH ẢNH   THIỀN  BÀI VỞ  THƠ   GIFTS  TẾT 2006  NỮ THẦN ISIS

SÁCH SƯU TẦM

CHUYỆN QUẢ BÁO

THÔNG THIÊN HỌC

VIỆT NAM

CHI BỘ BÁC-ÁI

TÂN CHÂU

 Sách tặng

1970

 

CHUYỆN QUẢ BÁO

--------

CHƯƠNG THỨ NHỨT

-------

CÁI XE GẠO CỦA NGƯỜI

ĐÊ-HOA-LA (DÉVALA)

 

        Thuở xưa kia, vào lúc đạo Phật mới lập ra, mấy năm đầu, nước Ấn Độ bây giờ rất là văn minh. Người trong xứ, giống người A-ri-den (Aryens), lập nhiều thành thị to lớn, cường thịnh; công nghệ, thương mãi, khoa học thảy đều mở mang.

        Lúc ấy có một người trau ngọc tên là Băn-Đu (Pandu) vốn giòng Bà-La-Môn. Ngày kia, va có việc bèn ngồi xe ngựa sang qua thành Ba-ra-na-si, tức là Bê-na-rết (Bénarès) bây giờ. Giàu có muôn hộ, song tánh tiện tặn, va chỉ đem theo có một tên đầy tớ để đánh xe và săn sóc ngựa mà thôi.

        Nhờ một trận mưa to vừa qua, phong cảnh hai bên lề đường càng thêm tươi tốt, khí trời lại mát mẻ êm đềm. Tuy vậy, chủ nhơn nóng lòng đến nơi, nên đôi ngựa vẫn thoát thoát ruổi dong. Dọc đường có một thầy sa môn đi bộ, thấy tướng người đáng kính trọng, Băn-đu nghĩ thầm: “Thầy Sa môn nầy diện mạo coi phải người tu hành từ thiện lắm. Vậy để ta hỏi coi, nếu người cũng đi ra Ba-ra-na-si như ta thì ta mời người lên xe cùng đi với ta. Gần người lành thì hay lắm, không chừng ta lại nhờ đức của người mà gặp được điều may”. Va liền dạy ngừng xe lại, chào thầy sa môn rồi thưa rằng: “Bạch thầy, tôi đi ra Ba-ra-na-si, rồi ở lại vài ngày nơi quán “Bạch Thiên-Tiên” (Gourou Blanc). Còn thầy đi đâu xin cho tôi biết?”

        Thầy sa-môn trả lời rằng thầy cũng đi một đường với Băn-đu và xưng tên mình là Na-ra-đa (Narada).

        Băn-đu liền mời thầy sa-môn lên xe đi.

        Thầy sa-môn nói: “Tôi rất cám ơn lòng tốt của ông. Đường đi xa, tôi đã mệt mỏi lắm rồi. Mà trong trần nầy, tôi không có tiền bạc châu báo chi cả, lấy chi đền đáp ơn ông. Nhưng vậy có ngày, tôi sẽ nhờ sự học hỏi của tôi mà giúp cho ông.

        Hai người ngồi chung với nhau, Băn-đu lấy làm vui vẻ được nghe những lời bàn bạc cao xa của thầy Na-ra-đa.

        Được chừng một giờ, xe chạy tới một khúc đường đã chẹt lại hư, thêm nước mưa đọng thành vũng lớn. Một cái xe bò chở đầy gạo nằm giữa lộ cản đường, xe ngựa không phương qua đặng. Chốt xe bò sút nên bánh xe rớt ra, người chủ xe là Đê- hoa-la (Dévala) đương lui cui gắn lại. Anh nầy cũng đi ra Ba-ra-na-si đặng bán gạo. Anh cũng gấp đi vì nếu trễ một hai ngày thì người khác giành mối hết.

        Khi Băn-đu tới nơi, thấy mình phải đợi cho cái xe bò kia sửa xong rồi mới qua được thì nóng nảy trong lòng, liền biểu tên đầy tớ là Ma-ha-đu-ta (Mahaduta) đẩy cái xe bò qua một bên cho ngựa mình lướt tới. Mà hai bên đường có dốc rất cao. Đề- hoa-la cắt nghĩa hết sức cho Băn-đu hiểu rằng, nếu đẩy xe bò qua một bên thì thế nào xe cũng nghiêng, gạo trút xuống hết, song Băn-đu không nghe, một hai biểu tên đầy tớ làm theo ý mình. Ma-ha-đu-ta là một đứa mạnh mẽ và cũng là một hạng người vui mà thấy kẻ khác bị khốn khổ. Nó lật đật đẩy xe bò qua một bên, làm cho thầy sa-môn không kịp cản ngăn chi hết. Khi xe ngựa vừa qua khỏi vũng nước, thầy Na-ra-đa liền nhảy xuống xe rồi nói với Băn-đu rằng:

        “Xin ông tha lỗi và cho tôi từ giả ông nơi đây. Ông đưa tôi một đổi đường, tôi cám ơn ông, tôi đã khỏe rồi. Vậy muốn đền ơn ông, tôi xin cho ông biết rằng anh chủ xe bò đó kiếp trước là ông của ông”.

        Băn-đu lấy làm lạ, nhìn sửng sốt thầy sa-môn và hỏi:

        “Người đó kiếp trước là ông của tôi sao? Không có lẽ đâu!” 

        Thầy sa-môn nói:

        “Tôi biết không thể nào ông hiểu đặng mối dây oan nghiệt, nó buộc ràng ông với anh kia đâu. Người mù thấy đường sao được. Tôi lấy làm tiếc cho ông tự mình gây họa. Vậy để tôi rán bảo hộ ông được tai qua nạn khỏi!

        Băn-đu thuở nay chưa từng bị ai rầy quở, nên khi nghe mấy lời nhỏ nhẹ có ý 

trách móc của nhà sư Na-ra-đa thì nổi nóng, liền truyền cho Ma-ha-đu-ta quất ngựa chạy liền.

        Thầy sa-môn đi lại chào Đê-hoa-la, rồi giúp va sửa xe và hốt gạo lên. Thầy làm coi lẹ làng lắm. Anh chở gạo nghĩ thầm: “Thầy nầy chắc Tiên Thánh gì đó. Ta thấy như có Thiên-thần giúp thầy, nên thầy giúp ta rất lẹ. Vậy để ta hỏi thử thầy coi vì cớ nào tên Bà-la-môn kia lại hiếp đáp ta như thế”. Đê-hoa-la hỏi rằng: “Bạch thầy, xin nhờ thầy giải giùm coi vì sao khi không tôi lại bị người ta húng hiếp, mà người ấy, thuở nay tôi có làm điều chi quấy với va đâu?” 

     -- Nầy anh! chẳng phải anh bị hà hiếp vô cớ đâu. Đó là anh gánh lại cái đau đớn của anh đã làm cho anh kia trong kiếp trước. Hễ anh gieo giống nào thì anh gặt giống nấy. Đời của anh vốn là cái kết quả của anh làm hồi trước. Nó là quả báo của tiền căn chớ không chi lạ.

     -- Bạch thầy, quả báo là giống gì?

     -- Quả báo là cái kết quả của hết thảy sự hành động trong kiếp nầy hoặc kiếp 

trước. Kiếp sống của ta là cuộc luân chuyển xây vần đời nầy qua đời kia tuân theo luật thiên nhiên mà tấn hóa. 

        Chúng ta là gì? – Mỗi người chúng ta chẳng qua là những sự kinh nghiệm tom góp sửa đổi lại mà thành nên.

        Vì vậy chúng ta đã tạo quả nào thì ngày nay phải nhận quả nấy. Quả báo của chúng ta gây nên hoàn cảnh và tánh tình của ta. Ta chỉ là đấng tạo hóa của ta vậy.

     -- Sự ấy có lẽ có. Nhưng bây giờ tôi phải làm sao với tên Bà-la-môn khó chịu đó?

     -- Tánh của anh như tánh của anh kia, nên quả của hai người không khác gì lắm. Thấy tư tưởng của anh, nếu tôi không lầm, thì anh ở vào địa vị của anh trau ngọc, anh cũng cậy quyền sức mà hiếp bức kẻ thấp hèn khi nói trái ý anh vậy.

        Đê-hoa-la thú thật rằng va cũng có ý đó. Nhưng đã hiểu được cái kết quả của sự hành động, rồi va nguyện sẽ hết sức để ý vào những việc làm của va đối với kẻ khác.

        Gạo đem lên xe rồi, hai người mới cùng đi ra Ba-na-ra-si. Bổng con bò bước trái sang một bên. Anh buôn gạo la lên: “Úy! rắn, rắn!”. Thầy sa-môn dòm kỹ lại là cái túi đầy vàng. Thầy nghĩ chắc là của Băn-đu chớ không ai lạ. Thầy bèn lượm lên trao cho Đê-hoa-la mà nói rằng: “Anh cất cái túi vàng nầy đi, rồi chừng tới Ba-na-ra-si, anh tìm quán Bạch-Thiên-Tiên hỏi thăm Băn-du rồi trả lại cho va. Va sẽ xin lỗi anh. Chừng ấy anh sẽ nói cho va biết rằng anh tha lỗi cho va và cầu chúc cho va gặp được mọi điều may mắn. Tôi biết chắc rằng hễ Băn-đu giàu sang thì anh cũng giàu sang, vì phần số của hai anh dính dấp với nhau.

        Nếu Băn-đu có hỏi anh việc gì nữa thì anh hãy chỉ cho va lại tịnh xá Huy-ha-ra (Vihara). Tôi sẽ chỉ cho va hiểu lẽ Đạo nếu va sẵn lòng muốn hiểu.

 

CHƯƠNG THỨ HAI

-------

NHỮNG CÔNG VIỆC Ở THÀNH

BA-RA-NA-SI

 

        Khi anh trau ngọc Băn-đu tới thành Ba-ra-na-si thì có một người lái buôn kia mua mảo hết tất cả lúa gạo trong thành làm cho Ma-li-ca (Mallika) là người bạn buôn bán quen với Băn-đu rất nên bối rối.

        Va than với Băn-đu rằng: “Thiệt tôi khốn khổ hết sức. Tôi không thể mua bán gì với anh được nữa đâu. Kẻ nghịch của tôi biết tôi có làm giấy giao kèo bán gạo cho nhà vua, nó muốn hại tôi nên mua hết gạo trong thành nầy. Bây giờ tôi không còn một hột nào đặng đong cho vua. Nếu nội ngày nay Trời Phật không giúp cho tôi có một xe gạo để đong thì chắc mai nầy tôi bị tán gia bại sản!

        Đương khi Ma-li-ca than thở thì Băn-đu nhớ tới túi vàng của mình, anh rờ thấy lủng mới hay đã mất rồi.

        Băn-đu thất kinh, tìm kiếm cùng xe cũng không thấy mới nghi cho tên đầy tớ Ma-ha-đu-ta lấy. Anh liền đi thưa quan trên, cáo tên đầy tớ lấy vàng, xin cầm tù và hành phạt nó cho dữ để nó khai. Lúc bị đánh đập đau đớn quá Ma-ha-đu-ta la lên 

rằng: “Tôi là kẻ vô tội! Hãy thả tôi ra. Tôi chịu không nổi rồi. Tôi có trộm vàng đâu mà các ngài hành hà tôi quá vậy? Ôi, chớ chi tôi được xin lỗi anh buôn gạo. Vì chủ tôi mà tôi vô cớ hại người. Tôi bị khổ sở như vầy chắc là tại tôi ở ác với anh ấy!

        Trong khi tên đầy tớ rên than khốn khổ thì Đê-hoa-la chủ xe gạo tới quán Bạch-Thiên-Tiên trả túi vàng lại cho Băn-đu, ai nấy đều lấy làm ngạc nhiên. Liền đó Ma-ha-đu-ta được thả ra, song oán hận chủ nó, nó mới trốn lên núi nhập bọn đảng cướp. Bọn nầy thấy nó mạnh bạo, can đảm, bèn tôn lên làm chúa soái (chủ trại). 

        Còn Ma-li-ca khi hay được Đê-hoa-la còn một xe gạo tốt thì mừng rỡ vô cùng, liền mua tất cả xe gạo và trả giá tiền bằng ba.

        Băn-đu khỏi mất túi vàng lấy làm có phước. Va liền tìm đến tịnh-xá Huy-ha-ra vào ra mắt thầy sa-môn Na-ra-đa mà hỏi Đạo.

        Thầy dạy rằng:

      “Ta có thể giải cho anh đặng, song e anh không hiểu nổi những lời huyền bí cao

siêu, nên tốt hơn là ta làm thinh”.

        Nhưng vậy ta khuyên anh điều nầy:

     “Hãy đối đãi với mọi người cũng như anh muốn mọi người đối đãi với anh. Hãy giúp mọi người cũng như anh muốn mọi người giúp cho anh. Dường ấy anh gieo giống lành, anh sẽ gặt được quả lành một cách chắc chắn vậy!

        Anh trau ngọc thưa:

     -- Bạch thầy, xin thầy giải rõ cho con hiểu thấu, con mới biết mà vâng theo.

     -- Vậy thì anh hãy nghe đây. Ta chỉ chìa khóa nhiệm mầu cho anh thấy. Dầu hiện giờ anh không hiểu, anh cũng hãy tin lấy để về sau mà suy tầm ra.

     -- “Cái Ta là mộng ảo”.

        Kẻ nào ngày đêm chỉ lo cho mình, kẻ ấy đi theo con đường dẫn vào hang tội lỗi. Mộng tưởng chỉ có Ta tức là tấm màn của Ma Vương che bít cặp mắt không cho các anh thấy tình liên lạc của các anh với các giống dân tộc trên Địa cầu. Tình liên lạc ấy còn mật thiết hơn sự liên lạc của các cơ quan trong mình con người. Các anh hãy tập thấy Chơn Thần của các anh trong linh hồn kẻ khác.

        Vô minh là nguồn gốc của tội lỗi.

        Tiếc thay! Rất ít kẻ hiểu Chơn Lý. Còn mấy lời nầy, anh hãy coi như lá bùa hộ mạng của anh đeo. 

        Kẻ nào chưởi rủa kẻ khác thì cũng như nó chưởi rủa nó.

        Kẻ nào giúp ích kẻ khác thì cũng như nó giúp ích cho nó.

        Hãy để mộng tưởng cái ‘Ta’ ra khỏi trí anh thì tự nhiên anh đi trong đàng Đạo đức. Kẻ nào bị màn vô minh che mắt, thì xem vũ trụ huyền bí như chia ra trăm ngàn lần. Kẻ ấy không rõ linh hồn tấn hóa thế nào, để hiểu biết rằng: “Tìm hết cách để giúp đỡ sanh vật dưới trần nầy là điều quan trọng lắm vậy”.

        Anh trau ngọc suy nghĩ rồi thưa rằng:

    --  Bạch thầy kính mến, những lời vàng ngọc của thầy có ý nghĩa sâu xa lắm. Con xin ghi nhớ vào lòng. Con nhờ đưa Thầy có một đổi đường mà con gặp được bao nhiêu điều may mắn! Con mang ơn Thầy rất nhiều. Nếu con không nhờ Thầy chỉ thì chẳng những con mất tiền mà còn lỗ lã mang nghèo là khác. Và cũng nhờ anh bán gạo cứu được bạn con. Nếu mỗi người đều hiểu rõ và ăn ở theo lời Thầy dạy thì cõi đời nầy có rắc rối đâu.

        Con muốn đem tư tưởng và lời dạy bảo của Đức Phật truyền bá cho người đời. Vậy để con lập ra nơi quê quán con là xứ Cô-sam-bi (Kaushambi) một cái tịnh xá và con xin mời Thầy đến đó. Con nguyện hiến dâng nhà đó cho các đệ-tử Phật.

 

CHƯƠNG THỨ BA

-------

VỚI KẺ CƯỚP

 

        Mấy năm vừa qua, tịnh xá của Băn-đu lập ra tại Cô-sam-bi nổi danh là một nơi đạo lý sáng suốt. Có nhiều thầy sa môn tài cao đức lớn đến ở hằng ngày thuyết pháp phổ độ chúng sanh.

        Lúc ấy có một ông vua láng giềng nghe tiếng đồn châu ngọc của Băn-đu quý đẹp lắm, ông mới sai người đặt Băn-đu làm một cái mão Triều Thiên bằng vàng ròng, nhận nhiều hột ngọc quý giá hơn hết trong nước.

        Khi Băn-đu chạm mão xong rồi thì dâng cho vua. Va lại đem theo nhiều món nữ trang khác hầu bán thêm cho người trong xứ ấy. Va đề phòng, dẫn theo một toán quân có khí giới để bảo vệ va và bọn tùy tùng. Rủi lúc đi qua núi, bị lâu la của chủ trại Ma-ha-đu-ta xông ra vây phủ. Quân của bọn Băn-đu chống cự không lại, cả thảy đều bị lâu la đánh tan và cướp hết vàng bạc.

        Băn-đu rán hết sức chạy mới thoát khỏi tay cướp. Chuyến nầy va lỗ rất nhiều. Rồi vì lắm phen lỗ lã nên gia tài của va tiêu gần hết. Tuy vậy va vẫn vui lòng mà chịu không than van chi hết. Va thường nghĩ rằng: “Tội lỗi của mình làm trong mấy kiếp trước bây giờ mình phải trả. Hồi còn nhỏ mình ở ác với kẻ khác, vậy thì lúc nầy mình gặt những hột giống xấu của mình đã gieo, chuyện gì mà phải than van vô ích.”

        Nhờ va tu hành, nên những sự không may càng rửa lòng va thêm trong sạch, càng làm cho va hết quyến luyến những cuộc giàu sang mộng ảo dưới trần. Va chỉ có ân hận một điều là bớt giàu rồi thì làm sao giúp được các thầy sa-môn trong tịnh xá để truyền bá đạo đức được.

        Mấy năm đã qua, ngày kia một thầy sa-môn trẻ tuổi tên là Băn-ta-ca (Panthaka) đệ tử của Na-ra-đa đi ngang qua núi Cô-xăng-bi bị một đảng lâu la chận bắt, xét trong mình không có món chi, tên đầu đảng sai người đánh đập thầy ấy rồi đuổi đi. Qua ngày sau, đương khi thầy đi trong rừng thì nghe tiếng cãi lộn ồn ào rồi lại thấy nhiều người đánh nhau. Thầy đi gần tới, thấy một bọn cướp đang đánh với nhau. Chúng nó vây phủ chủ trại là Ma-ha-đu-ta.Tên nầy chống cự hăng hái không khác gì con mãnh sư giữa đám chó săn. Ma-ha-đu-ta chém giết cũng nhiều, song lâu la đông quá nên va bị thương cùng mình ngã lăn xuống đất. 

        Khi quân cướp đi tản lạc rồi, thầy sa- môn lại gần có ý muốn cứu chữa những người bị bịnh. Thầy thấy mấy tên tướng kia đã chết trừ ra tên chủ trại còn hoi hóp mà thôi. Thầy lật đật chạy lại dòng nước bên đường, múc một chén nước đem đổ cho Ma-ha-đu-ta uống. Chập lâu, Ma-ha-đu-ta tỉnh lại mở mắt ra nghiến răng rồi hỏi rằng: “Lũ quân phản chủ đâu rồi?. Hồi nào theo ta đánh đâu thắng đó, bây giờ không ai cầm đầu, chúng nó không khỏi sa vào lưới rập”. Băn-ta-ca khuyên: “Thôi ngươi chớ khá tưởng tới những bằng hữu hung tợn kia làm chi. Tốt hơn, ngươi hãy tưởng đến linh hồn của ngươi và sẵn lòng theo ta tầm phương giải thoát. Đây là nước mát, ngươi hãy uống thêm đi. Để ta băng bó vết thương cho ngươi, may nhờ ân trên ta cứu ngươi sống được.

        Ma-ha-đu-ta than rằng:

     “Than ôi! Thầy có phải là người mà ta đánh đập hôm qua chăng? Thầy an ủi ta, đem nước giải khát cho ta, lo cứu sống ta, song ta chắc là vô ích. Ta sắp lìa trần bây giờ. Quân khốn kia đâm ta nặng lắm. Ôi! đồ phản nghịch! Nó đem những miếng nghề của ta dạy nó mà hại ta! 

        Băn-ta-ca nói tiếp:

      “Trước ngươi gieo giống chi thì nay ngươi gặt giống ấy. Phải chi ngươi dạy chúng nó làm lành thì chúng nó đem điều lành mà trả lại cho ngươi. Ngươi dạy chúng nó giết người thì tự nhiên chúng nó giết ngươi lại. Lỗi ấy ở ngươi vậy!

     -- Phải lắm! Thật phải lắm! Phần số của tôi đã đành như vậy, song đời tôi đáng thương biết bao. Rồi đây tôi phải chịu sự khổ não trong mấy kiếp sau nữa. Xin thầy thương tình chỉ dạy, tôi phải làm sao để nhẹ tội nầy. Nó làm cho tôi nặng nề, khổ sở quá, khác nào trăm ngàn cục đá để trên ngực tôi!

        Thầy sa-môn dịu ngọt khuyên rằng:

     -- “Nhà ngươi hãy dứt tuyệt sự ham muốn quấy quá, hãy dứt các tình dục xấu xa và hãy có lòng thương muôn loài vạn vật”.

 

CHƯƠNG THỨ TƯ

-------

SỢI TƠ NHỆN

 

        Đương khi thầy từ thiện Băn-ta-ca chùi rửa vết thương cho chủ trại Ba-ha-đu-ta thì va nói rằng:

      “Thầy ôi! tôi làm lành rất ít, mà phạm tội quá nhiều. Làm sao tôi thoát khỏi lưới tội lỗi của tôi giăng từ mấy năm nay? Quả báo của tôi sẽ lôi kéo tôi vào Địa ngục, chắc không bao giờ tôi lên được con đường giải thoát!

     -- Thật vậy! quả báo của ngươi ghi hết chuyện của ngươi làm trong kiếp nầy và kiếp trước. Ngươi phải trả cho hết, không thế nào chạy chối đặng. Song ngươi chớ khá ngã lòng. Con người biết ăn năn lỗi mình và hiểu đặng thân mình là mộng ảo thì những sự đau đớn, khổ sở là cội phước cho mình và người; có vấp té, có đau mới biết thương người cùng té, mới biết chừng mà dặn dò những kẻ bước sau.

        Để ta thuật chuyện nầy cho ngươi nghe:

      “Thuở xưa có một tên đầu đảng bọn cướp tên là Căn-đa-ta (Kandata) rất nên hung ác. Sau khi chết rồi nó không ăn năn tội lỗi mới sa vào Địa ngục. Nó chịu lắm hình phạt đau đớn khổ sở để đền tội ác. Nó ở dưới âm phủ đời nầy sang đời kia không mong thoát khỏi khổ hình.  May thay, lúc đó nhằm lúc Đức Phật ra đời, hào quang của Ngài chiếu sáng khắp nơi. Ngài ban ân lành cho cả thảy muôn loài vạn vật. Trong cơn ấy, tia hào quang của Ngài chiếu thấu đến chốn U-minh dục lòng cho những kẻ tù tội ước mong bước lên đường hạnh phúc.

        Khi ấy Căn-đa-ta la lớn lên rằng: “Bạch Đức Thế-Tôn từ bi, bác ái, cúi xin Ngài thương xót đến kẻ khốn khổ nầy. Tôi đau đớn vô cùng, vì tôi rõ biết những tội lỗi của tôi đã làm. Tôi nguyện ăn năn chừa lỗi và tu hành, học Đạo. Nhưng một mình tôi, tôi không thoát khỏi nổi biển khổ nầy. Vậy cúi xin Đức Phật Từ Bi cứu độ lấy  tôi!”          

        Chiếu theo luật quả-báo, thì những tội ác lần lần tiêu tan nên sự khổ cũng không còn mãi được. Bất kỳ điều lành nào dù nhỏ mọn thế mấy, cũng có sẵn nhiều mầm từ thiện ở trong. Mấy cái mầm nầy nảy nở ra, lớn lên, nó giúp linh hồn con người lần lần thoát khỏi cả tội lỗi mà vào cõi Niết Bàn.

        Khi Đức Phật nghe lời khẩn cầu của kẻ tù tội đương bị hành phạt thì Ngài day 

lại mà hỏi rằng:

      “Ớ nầy Căn-đa-ta! Trong mấy kiếp trước của ngươi, ngươi có làm một điều thiện nào chăng? Như có thì dầu nhỏ đến đâu nó cũng có thể giúp ngươi thoát khổ đặng. Tuy vậy nếu ngươi còn giữ tánh ích kỷ và linh hồn ngươi chưa rửa sạch đặng những vết HAM MUỐN, KHOE KHOAN, DÂM DỤC, thì ngươi khó thể trông mong thoát khỏi sự đau khổ của ngươi đã gây nên”.

        Căn-đa-ta làm thinh suy nghĩ và nhớ hết mấy kiếp của va và thấy rõ những tội lỗi của va đã làm.

        Lúc ấy Đức Phật từ-bi sáng suốt, chỉ trong một phút Ngài thấy trong một kiếp sống kia, Căn-đa-ta nhơn đi trong rừng thấy một con nhện con đương chạy trên cỏ. Va nghĩ rằng: “Thôi, ta đừng đạp con nhện nầy. Nó yếu đuối không làm hại ai đâu”. Đức Phật dòm lại Căn-đa-ta một cách cảm động. Ngài thả con nhện có dính theo sợi tơ xuống cho Căn-đa-ta và dạy rằng:

     -- Căn-đa-ta ngươi hãy nắm sợi tơ nầy mà đeo theo nó. Nó sẽ đỡ ngươi thoát chốn ngục hình. Vừa dứt lời, con nhện biến mất. Căn-đa-ta nắm sợi dây mỏng mảnh nhẹ nhàng mà rất bền chặt. Nó kéo lần lần va lên khỏi Địa ngục. Thình lình sợi dây rúng động. Căn-đa-ta dòm lại thấy nhiều tù tội khác cũng nắm dây nhện mà phăn lên. Va rất kinh hãi, mặc dầu va còn biết rằng, tuy sợi dây mỏng mảnh song nhờ nó giản ra, nên chắc là kéo va lên đặng. Phải chi va cứ ngó lên trên, chỉ dòm những cảnh trên cao đẹp đẽ thì vô hại. Rủi thay, va cứ dòm xuống dưới, rồi chừng thấy một chùm tù đeo theo gần bên chân va thì va hoảng kinh. Một sợi dây nhỏ xíu như sợi tơ nhện làm sao mà kéo nổi một đám đông như thế chắc thế nào nó cũng đứt ngang. Nghĩ đến đó, Căn-đa-ta thất kinh la lớn lên rằng: “Buông ra hết thảy! Sợi tơ nầy của tôi chớ không phải của mấy người đâu!” Vừa dứt lời sợi tơ liền đứt. Căn-đa-ta và cả thảy mấy người đeo theo đều rớt trở xuống Địa ngục hết.

        Lòng ích kỷ, tánh phân chia, còn gắn nơi lòng Căn-đa-ta, khiến cho va không hiểu rõ lẽ huyềndiệu của sự thật tình muốn bước tới và đi trong con đường Đạo chật hẹp và khó khăn. Đường ấy ví như sợi tơ nhện, nhỏ nhít vô cùng song chứa không biết mấy trăm ngàn dân tộc. Càng nhiều người đeo trên sợi tơ nhện chừng nào thì càng dễ cho họ leo lên chừng nấy. Song nếu trong lòng con người lại suy tưởng cái nầy của ta, tội kia của nó, ân huệ của các đấng Thiêng liêng ban riêng cho một mình ta, chỉ có một ta thông hiểu lẽ Đạo mà thôi, không ai đặng chia sớt cái phước nầy, tức thì sợi tơ nhện liền đứt, cả thảy té trở lại Địa ngục chịu khổ sở như trước, đặng chờ cho ngày nào tánh ích kỷ tiêu diệt hết rồi, thì ngày ấy con người mới ra khỏi thành sầu đó đặng. Cái Chơn lý thì khác, nó là ân huệ của các đấng Thiêng Liêng, tình thương yêu và trí sáng suốt tức là Thiên Đàng, còn Địa ngục là tánh ích kỷ đó.

        Nhờ hy-sinh, minh triết, mà hiểu rõ Chân lý, con người mới nhập đặng Niết Bàn.

 

CHƯƠNG THỨ NĂM

-------

LUẬN VỀ CỘI PHÚC

 

        Ma-ha-đu-ta nằm êm dưới đất, định trí một hồi rồi rán sức nói với thầy Sa-môn Băn-ta-ca rằng: “Bạch Thầy, tôi xin thú tội cùng Thầy. Trước kia tôi là đứa tớ của ông Băn-đu, người thợ trau ngọc ở Cô-sam-bi. Tôi vô tội mà bị ông hành phạt, tôi mới trốn đi rồi làm đầu đảng bọn ăn cướp nầy. Cách nay ít lâu, nhờ quân thám thính tôi biết được Băn-đu đi ngang qua đây nên tôi chận đường, đánh cướp được nhiều châu báu, có hơn phân nửa gia tài của ông. Bây giờ đây, tôi muốn đi tìm ông nói cho ông biết rằng tôi đã thật lòng quên lỗi của ông đối đãi với tôi và tôi xin ông tha lỗi tôi cướp giựt của ông.

        Hồi tôi ở với ông, lòng ông cứng như sắt đá nên tôi cũng bắt chước gương ông. Bây giờ tôi nghe người ta nói ông đã cải dữ về lành. Họ rất khen ngợi ông là người hiền lương, công bình, ngay thẳng. Như vậy, ông đã tìm được thứ châu báu mà không bao giờ có ai cướp giựt đặng. Còn tôi thì một đời đầy những tội lỗi. Tôi không muốn mang cái nợ nặng nề của tôi đã thiếu ông. Tôi còn có thể trả lại cho ông. Lòng tôi đã thay đổi cả, những tánh xấu của tôi, tôi đã diệt hết rồi. Tôi nay còn sống phút nào thì phút ấy để ước mong những điều ngay chánh, may ra chuộc lấy lỗi xưa. Tôi muốn cho ông Băn-đu hay rằng tôi còn giấu cái mão vàng của ông làm cho vua và nhiều món châu báu khác dưới hang gần đây. 

        Chỉ có một mình tôi với hai tên tướng của tôi biết chỗ mà thôi. Song hai đứa nó đã chết rồi. Vậy thì ông Băn-đu hãy đem người đến đó mà đào lấy châu báu lại. Điều tôi làm đây sẽ làm tiêu bớt tội và rửa cho linh hồn tôi trở nên trong sạch. Nó sẽ khai sáng cho tôi mà đem tôi vào đường giải thoát.”

        Ma-ha-đu-ta chỉ hang chôn vàng cho Băn-ta-ca rồi nhắm mắt qua đời trên tay thầy sa-môn.

        Về đến Cô-sam-bi, Băn-ta-ca liền đến thăm Băn-đu và thuật lại cuộc gặp gỡ trong rừng cho Băn-đu nghe.

        Băn-đu tức tốc đem nhiều người mang khí giới đến hang đào đặng của cải. Ông chôn cất Ma-ha-đu-ta và mấy tên cướp kia rất long trọng.

        Đứng trước nấm mồ, thầy Băn-ta-ca đọc bài ai-điếu theo Phật giáo như vầy:

     “Nghiệp dữ tự mình gây nên thì tự mình đau khổ. Nghiệp dữ tự mình giải đặng thì cũng tự mình sửa mình cho trong sạch.

        Con người hèn hạ, hay thanh cao đều do con người tạo ra cả, vì vậy không ai rửa tội cho ai. Phải tự mình rán sức trau sửa lấy mình. Trời chỉ có dạy phải làm sao mà thôi. Quả báo của ta không phải do Đức Thượng Đế, Đức Phạn Vương hoặc vì Tiên, Phật nào gây nên cả. Quả báo của ta là kết quả những điều của ta làm. Hành vi của ta, tức là cái xác thân chở ta, tức là gia tài đem về cho ta, tức là cái đau khổ nếu ta làm quấy, tức là cái hạnh phúc nếu ta làm lành. Hành vi của ta lại là cái nguồn độc nhất, nhờ nó mà ta đi được trên con đường giải thoát.”                                               

        Băn-đu đem vàng bạc châu báu về Cô-sam-bi dùng vào việc phải, người trở lại giàu có muôn hộ, tấm lòng từ thiện ai cũng ngợi khen. 

        Người sống lâu lắm mới từ trần. Lúc gần thác, người kêu con cháu lại chung quanh giường mà dạy rằng: “Hỡi các con yêu dấu! Các con đừng ganh ghét chê bai kẻ khác, khi các con không được may mắn như họ.

        Nếu các con không phải bị tánh tự đắc làm mờ ám, thì các con sẽ tìm đặng cội rễ các tánh xấu trong lòng các con. Tìm đặng rồi, khá lo phương trừ khử. Mà phương thế trừ khử các tánh xấu ở lòng ta.

        Đừng để trí não các con lu lờ vì vật dục.

        Hãy nhớ, hãy rán nhớ mấy lời sau đây. Nó là một lá bùa giúp ta trong kiếp sống dưới trần nầy :

      “Kẻ nào chưởi rủa kẻ khác tức là chưởi rủa nó.”

      “Làm sao mộng tưởng cái Ta tiêu tan mất thì các con thấy đâu là Chơn-Lý vậy. 

        Nếu các con nhớ mấy lời ta dạy và làm y theo, thì khi bỏ cõi phàm nầy, các con sẽ sống luôn luôn trong vòng hạnh phúc của các con đã tạo nên.

        Linh hồn các con sống đời đời do theo cách hành động của các con vậy!”

 

VƯƠNG CHÂU

 

----------------------------------------------------

 

LỜI BÀN

------

 

        Đọc qua chuyện trên, chúng ta thấy không một ai thoát khỏi luật Nhân-Quả. Con người sanh ra trên thế gian, hễ gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, không ai trồng khoai mà được bắp bao giờ. Vì Băn-đu đối xử tàn nhẫn với người chủ xe gạo và không chịu nghe lời phải của Na-ra-đa, giận dỗi hấp tấp giục ngựa chay đi mới rơi túi vàng suýt phải mang nghèo, đã vậy lại còn nghi oan cho Ma-ha-đu-ta nên về sau bị Ma-ha-đu-ta đón đường đánh cướp cả châu báo. Nhưng nhờ va biết ăn năn hối cải, lánh dữ làm lành, thi ân bố đức, nên sau được mọi người kính trọng, thậm chí đến cả Ma-ha-đu-ta là kẻ thù của Băn-đu cũng phải cảm phục, quên đi hận cũ, trả lại những gì đã cướp.

        Còn Ma-ha-đu-ta thì vừa hiếp người là đã có người hiếp lại đúng với câu “quả báo nhãn tiền”. Nếu y không đẩy xe gạo làm cho nó lật đổ, chắc chắn là không có chuyện mất vàng và y đâu có bị tra khảo đau đớn. Thế mà sau khi thoát nạn, y lại chẳng ăn năn, còn gây thêm tội lỗi, lên rừng ẩn náu, dạy lâu la cướp của giết người. Y tập cho chúng tánh hung sùng, nên sau y mới bị chúng bao vây giết chết. Phải chi y dạy cho chúng điều nhân nghĩa, thương yêu nhân loại, giúp đỡ người đời thì đâu đến nỗi xảy ra tai họa cho y.

        Vậy ở đời, muốn được bình yên và không bị đau khổ, ta cần phải mở lòng bác ái, thương yêu tất cả muôn loài. Ta phải luôn luôn gieo những nhân lành, chắc chắn ta sẽ gặt quả ngọt không sai vậy.

        Ta đừng làm cho ai điều gì mà ta không muốn người làm điều đó cho ta.

        Ngoài ra, trong chuyện nầy chúng ta còn rút ra được một bài học khác, là chúng ta không bao giờ nên ích kỷ. Cái gì ta đem bố thí cho đời thì nó chẳng hề mất, trái lại, nếu ta bo bo cất giữ, đã không chắc gì giữ được mà nhiều khi còn hại đến thân.

        Câu chuyện sợi tơ nhện, ta nên nhớ đó chỉ là những lời nói bóng dáng, chứ thật sự không bao giờ có địa ngục hay âm phủ chi cả.

        Sở dĩ Căn-đa-ta bị khổ sở vì y là một tướng cướp, còn nhiều dục vọng, ham muốn ích kỷ đê hèn. Mà ở cõi Trung Giới, hễ còn tánh xấu thì không thể nào lên cõi Thiên Đường yên vui được, nhất là không có Thiện tâm. Những dục vọng đê hèn của y nó hành hạ y, vì y không còn xác thân để thỏa mãn chúng, không khác nào một người nghiện á phiện, ở thế gian bị bệnh hành vì không có nhựa để thầu.

        Còn như y mà thấy mình bị giam vào Địa ngục, bị hành hạ tra khảo, đó chỉ là những hình tư tưởng của chính y tạo ra làm hại y, vì nơi cõi Trung Giới, nếu ta tưởng điều gì thì điều đó hiện ra tức thì. Y biết mình đã làm nhiều điều tội lỗi, lo sợ, ăn năn và tưởng đến những hình phạt sẽ đến cho y, theo như các tôn giáo đã dạy, nào Địa ngục, Thập Điện Diêm Vương, Dạ xoa, Quỷ sứ v.v. . . thế là những hình ấy hiện ra và y bị nhốt vào đó.

        Nhưng khi y được giác ngộ, không còn tưởng đến những hình ảnh kia thì nó sẽ biến mất. Hơn nữa, nếu y biết cãi hối, rửa lòng trong sạch, bỏ hết mọi dục vọng đê hèn, lại làm được một vài điều thiện ở thế gian, thì nhờ nó y sẽ được rút vào cõi Cực Lạc, Thiên Đường, không còn thấy khổ nữa. 

        Ta nên nhớ, khi con người chết, nghĩa là linh hồn lìa bỏ xác thịt và ở trong thể Vía, thì con người được tự do hơn lúc con người ở trong xác thịt. Ta được nhẹ nhàng, không đói khát, không bệnh hoạn, không còn bị nóng, lạnh làm hại nữa, đi vào hỏa diệm sơn cũng không thấy nóng, lặn xuống nước không bị ngột thở, chui vào giữa lòng trái đất cũng không có gì ngăn trở, đi lại bằng cách bay trên không trung, lên cao xuống thấp dễ dàng, muốn tới đâu thì mình tới đó trong nháy mắt, hễ tưởng cái gì thì nó hiện ra liền, nhưng vì ta đã quen sống trong xác thịt, bị đủ thứ trở ngại, không biết được năng lực của thể Vía, nên khi chết rồi cứ tưởng mình bất lực, như hồi còn mang xác thịt, lại thêm bị lời đe dọa về hình phạt ở Địa ngục, rồi khi nhớ lúc sanh tiền đã làm nhiều việc chẳng lành, ắt phải sa vào Địa ngục, lo sợ quá, tưởng tới nó, tức thì có Địa ngục hiện ra liền nhốt ta lại và ta bị đủ thứ cực hình theo như ý tưởng của ta. Đó là tự ta làm hại ta chớ không phải Trời, Phật phạt ta đâu!

        Nếu ta biết rành sự thật, tức thì Địa ngục và các hình phạt tưởng tượng đó tiêu mất hết, ta được tự do, không còn vướng bận nữa.

        Sợi tơ nhện trong câu chuyện trên là một điều thiện, tuy nhỏ nhoi cũng tạo được một quả lành để giúp Căn-đa-ta thoát khỏi ngục hình giả tưởng, nhưng vì lòng ích kỷ của y còn mạnh, y không dám chia cho người khác cùng hưởng phước nên y phải kẹt lại ở cõi Trung Giới, đó là sợi tơ nhện bị đứt.

        Tóm lại, quên mình để lo giúp đời khỏi khổ, khi đời được yên vui thì mình cũng sẽ được sung sướng, không hề mất phần.

 

TRÚC LÂM và TRI THIỆN

No comments:

Post a Comment