Monday, August 22, 2016

Tác dụng của lá lốt 
Giới thiệu: Lá lốt hương vị thơm đặc trưng, là nguyên liệu không thể thiếu của nhiều món ăn dân dã mà hấp dẫn như bò cuốn lá lốt , chả ốc lát lốt, lẩu ếch, ốc nấu chuối… Trong y học cổ truyền , lá lốt còn là cây thuốc quý trị phong thấp, đau bụng do lạnh, phù thũng…. Lá lốt có vị nồng, hơi cay, có tính ấm, tác dụng của lá lốt chống hàn (như bị lạnh bụng), giảm đau, chống phong hàn ở mức thấp, tay chân lạnh, tê tê, nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu (có lẽ vì thế mà được dùng với thịt bò nướng vốn khó tiêu), đau đầu vì cảm lạnh… Trong đời sống, người ta thường dùng lá lốt như một loại rau để ăn sống hoặc nấu canh, hoặc làm gói chả… Lá lốt giúp chữa đau nhức xương, trị bệnh kiết lỵ, tổ đỉa, mụn nhọt, phù thũng,… Ngoài ra, lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt. Mô tả: Cây lá lốt cao khoảng 30–40 cm, mọc thẳng khi còn non, khi lớn có thân dài không thể mọc thẳng mà trườn trên mặt đất. Lá đơn, có mùi thơm đặc sắc, nguyên, mọc so le, hình tim, mặt lá láng bóng, có năm gân chính phân ra từ cuống lá; cuống lá có bẹ. Hoa hợp thành cụm ở nách lá. Quả mọng, chứa một hạt. Lốt thường được trồng bằng cách giâm cành nơi ẩm ướt, dọc bờ nước, Tác dụng của lá lốt làm gia vị và làm thuốc. Bò nướng lá lốt là một món ăn đặc sắc của Việt Nam. Tác dụng của lá lốt giúp trị phong thấp, đau bụng Loại lá này vẫn được các bà nội trợ sử dụng để cuốn thịt làm chả. Món ăn được chế biến với lá lốt đặc biệt sẽ trở nên rất thơm nhờ các thành phần có trong nó. Tác dụng của lá lốt bổ máu trong cơ thể và chữa trị đau nhức cơ thể rất tốt. Tác dụng của lá lốt trong một số đơn thuốc: Chữa đau lưng sưng khớp gối, bàn chân tê buốt: rễ lá lốt tươi 50g, rễ bưởi bung 50g, rễ cây vòi voi 50g, rễ cỏ xước 50g. Sao vàng, sắc; chia uống 3 lần trong ngày. Chữa phong thấp, đau nhức xương: rễ lá lốt 12g, dây chìa vôi 12g, cỏ xước 12g, hoàng lực 12g, độc lực 12g, đơn gối hạc 12g, hạt xích hoa xà 12g. Sắc uống. Chữa phù thũng: lá lốt 12g, rễ cà gai leo 12g, rễ mỏ quạ 12g, rễ gai tầm xoọng 12g, lá đa lông 12g, mã đề 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị chứng ra nhiều mồ hôi ở tay, chân: Lá lốt tươi 30g, rửa sạch, để ráo cho vào 1 lít nước đun sôi khoảng 3 phút, khi sôi cho thêm ít muối, để ấm dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Thực hiện liên tục trong 5-7 ngày. Hoặc lá lốt 30g, thái nhỏ, sao vàng hạ thổ. Sắc với 3 bát nước còn 1 bát. Chia 2 lần, uống trong ngày. Uống trong 7 ngày liền. Sau khi ngừng uống thuốc 4 đến 5 ngày lại tiếp tục uống một tuần nữa. Giải độc, chữa say nấm, rắn cắn: lá lốt 50g, lá đậu ván trắng 50g, lá khế 50g. Giã nát, thêm ít nước, ép gạn lấy nước cho uống ngay trong khi chờ chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế. Cháo lá lốt: cành nụ lá lốt khô 30g, hồ tiêu 30g, quế 12g, cùng tán mịn mỗi lần dùng 9g. Đầu tiên nấu nước hành tươi (một nắm) gạn lấy nước bỏ bã, cho tiếp gạo tẻ nấu cháo. Khi cháo chín cho bột thuốc vào khuấy đều, cho ăn khi đói. Món này thích hợp cho người đầy bụng không tiêu, chán ăn có liên quan với hư hàn, hàn thấp. Lá lốt còn là một nguyên liệu để nấu các món ăn như chả băm viên lá lốt, ốc nấu chuối đậu, canh lá lốt, bò cuốn lá lốt…  Bệnh tổ đỉa: Lá lốt giã nát chắt lấy nước cốt, uống hết 1 lần. Bã cho vào nồi đổ 3 bát nước sắc kỹ dùng để rửa vùng tổ đỉa. Rửa xong lau khô rồi lại lấy bã lá lốt đã sắc đắp lên, băng lại. Ngày làm 1 – 2 lần, liên tục 5 – 7 ngày sẽ khỏi. Đau nhức xương khớp: 20 gr lá lốt, 12 gr thiên niên kiện, 16 gr gai tầm xoang, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, chia uống trong ngày. Uống liền trong một tuần. Viêm nhiễm âm đạo, ngứa: 50 gr lá lốt, 40 gr nghệ, 20 gr phèn chua, đổ nước ngập thuốc khoảng hai đốt ngón tay, đun sôi liu riu khoảng 10 – 15 phút rồi chắt lấy một bát nước dùng rửa âm đạo. Sữa bò sắc lá lốt: sữa bò 200ml, lá lốt tươi 30g, thái nhỏ, cùng cho vào nấu sắc cho uống khi đói. Dùng cho các trường hợp đầy trướng bụng tăng sinh hơi, trung tiện nhiều trong ngày. Lá nụ toàn cây lá lốt khô tán bột: mỗi lần uống 1,5 – 2g với nước canh hoặc nước cháo. Thích hợp cho người ho nhiều đờm dãi, nôn thổ. Đầu chân dê hầm lá lốt: đầu dê 1 cái, chân dê 4 cái làm sạch, cho nước nấu chín. Cho tiếp lá lốt, gừng tươi mỗi thứ 30g, hạt tiêu 10g, hành trắng 50g, đậu xị lượng tùy ý, muối ăn và các gia vị, tiếp tục nấu nhỏ lửa cho chín nhừ, chia ăn nhiều lần trong ngày. Dùng cho bệnh nhân có bệnh mạn tính, cơ thể suy nhược, tỳ vị hư hàn, đau quặn bụng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện lỏng. Ngoài ra: Tác dụng của lá lốt giúp chữa đau nhức cơ thể. Nếu ra nhiều mồ hôi tay, chân: Lấy khoảng 100 gr (cả lá, thân, rễ) thái nhỏ cho khoảng 200 gr muối hột nấu 500 ml nước, đun sôi chừng 5-10 phút, để khi nước còn nóng già thì ngâm chân hay tay, mỗi lần ngâm khoảng 20-30 phút, làm hằng ngày sẽ giảm chứng ra mồ hôi, hết “mùi” và càng đỡ đau nhức xương. Ngâm làm cồn xoa bóp: lấy thân và rễ cây chặt nhỏ, ngâm trong rượu mạnh (trên 400) dùng làm cần xoa bóp khi bị đau nhức hay chấn thương.    


Sunday, August 21, 2016

Những kênh rạch xưa thành đại lô đẹp nhất Sagon

Những kênh rạch xưa thành đại lộ đẹp nhất Sài Gòn

Người phương Nam hơn trăm năm trước đi lại bằng tàu thuyền, các tuyến đường lớn như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, Hải Thượng Lãn Ông... vốn là những kinh rạch.

Sài Gòn - từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông - có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước. Từ mảnh đất hoang vu lấy giao thông thủy là chủ yếu, Sài Gòn thay đổi qua từng năm khiến phương thức đi lại cũng thay đổi. Các kênh, rạch dần nhường chỗ cho những trục đường lớn.

Thay đổi mạnh mẽ nhất là trung tâm thành phố, nơi tiếp giáp sông Sài Gòn với các hệ thống kênh lớn như Bến Nghé - Tàu Hủ, Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hàng loạt đại lộ hiện đại Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, Lê Thánh Tôn... là những con kênh lớn.

Rạch Cầu Sấu - Đường Hàm Nghi (quận 1)

Là một trong những con đường nổi tiếng ở trung tâm TP HCM, đường Hàm Nghi - nối chợ Bến Thành với sông Sài Gòn - xưa là tuyến đường thủy. Học giả Trương Vĩnh Ký cuối thế kỷ 19 cho biết đường thủy này đã được người Việt biết đến như Rạch Cầu Sấu (Crocodile Cầu Creek) - xuất phát từ những hồ nuôi cá sấu dọc theo bờ của kênh để lấy thịt.

nhung-kenh-rach-xua-thanh-dai-lo-dep-nhat-sai-gon

Rạch Cầu Sấu tức đường Hàm Nghi nay với đường màu vàng trên bản đồ Sài Gòn xưa. Ảnh: Flick

Rạch Cầu Sấu chạy từ sông Sài Gòn xa về giao lộ Hàm Nghi - Pasteur hiện nay và kết nối với kênh đào khác. Trước năm 1867, rạch được các nhà buôn sử dụng để tiếp cận Chợ Cũ do người Pháp lập trên đường Chaigneau (nay là đường Tôn Thất Đạm).

Khoảng năm 1870, nó được san lấp thành đường phẳng với tên gọi Canton sau quyết định của thống đốc Nam Kì. Đến ngày 24/2/1897, hai đường lại tách riêng ở giữa có tiểu đảo. Đường phía bắc có tên Krantz, phía Nam là đường Duparré.

Từ ngày 22/4/1920, hai đường nhập một và mang tên chung là Đại lộ De la Somme. Từ năm 1955, chính quyền Sài Gòn đổi là đại lộ Hàm Nghi, sau ngày thống nhất đất nước vẫn giữ lại tên này. Hiện, dọc đường Hàm Nghi là trụ sở các ngân hàng, cao ốc văn phòng lớn nhất nhì thành phố.

Kênh Chợ Vải - Nguyễn Huệ (quận 1)

Để thuyền bè vào tận thành Bát Quái (thành cũ của Sài Gòn đã bị phá hủy), con kênh đào được hình thành mang tên Kinh Lớn bắt đầu từ bến Bạch Đằng chạy thẳng đến trước cổng UBND thành phố hiện nay. Ngoài tên Kinh Lớn do chính quyền đặt, người dân lúc bấy giờ còn gọi là Chợ Vải do dọc mé kênh có nhiều Hoa kiều tập trung bán vải vóc.

Đối với người Pháp, con kênh này có tên Grand. Sau khi Pháp chiếm được Sài Gòn, năm 1861, đô đốc Charner ban hành quy định giới hạn địa phận thành phố. Kinh Lớn được đổi tên thành kênh đào Charner, hai bên bờ kênh là con đường chạy song song mang tên Rigault de Genouilly và Charner (nằm phía khách sạn Palace hiện nay). Đường Charner còn được gọi bằng Canton do có đa số người Hoa vùng Quảng Đông tập trung buôn bán.

nhung-kenh-rach-xua-thanh-dai-lo-dep-nhat-sai-gon-1

Kinh Lớn lúc chưa có tòa nhà UBND TP và phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện tại. Ảnh: Flickr

Kênh đào Charner có lưu lượng hàng hóa vận chuyển tấp nập nên sau thời gian bị ô nhiễm nặng. Năm 1887, người Pháp cho lấp kênh đào và sáp nhập con đường ở hai bờ thành đại lộ Charner. Đại lộ Charner một đầu là Dinh Đốc Lý (nay là trụ sở UBND thành phố) và đầu kia là sông Sài Gòn.

Không gọi theo tên Pháp đặt, người Sài Gòn gọi bằng cái tên dân gian là đường Kinh Lấp.

Sau nhiều biến thiên lịch sử, năm 1956, đại lộ Charner được đổi tên thành Nguyễn Huệ – một trong những con đường đẹp nhất của "Hòn Ngọc Viễn Đông". Năm 1960, mỗi khi xuân về, đường Nguyễn Huệ lại xuất hiện chợ hoa. Theo tàu thuyền miền Tây, hoa từ khắp nơi về tập kết ở bến Bạch Đằng, trên bờ và trải dài trên đại lộ. Hiện, nơi đây trở thành quảng trường đi bộ đầu tiên của cả nước và vẫn tổ chức đường hoa mỗi mùa Tết, thu hút cả triệu người thưởng lãm.

Rạch Cây Cám - Đường Lê Thánh Tôn (quận 1)

Bắt đầu từ Thảo Cầm Viên, rạch Cây Cám chảy theo vách thành Gia Ðịnh cũ, tức chạy dọc theo đường Lê Thánh Tôn - Nguyễn Hữu Cảnh ngày nay. Con kênh tiếp giáp với kênh chợ Vải, tức đường Nguyễn Huệ.

Tên gọi Cây Cám xuất phát từ loại cây lá có phấn mịn như cám, mọc cạnh kinh. Con kênh bùn lầy được lấp bằng vào năm 1884 và sau này thành trục đường quan trọng chạy trước mặt UBND TP HCM.

Kênh Coffyn - Đường Lê Lợi (quận 1)

Trung tá Coffyn người Pháp, người quy hoạch Sài Gòn đã cho đào kinh mang tên ông nối kinh Chợ Vải với rạch Cầu Sấu và rạch Cây Cám. Hai bên bờ kinh có lối đi gọi là đường Bonard.

Kinh bắt đầu từ ngã ba đại lộ Bonard với đường Pasteur ngày nay đến cuối đại lộ ở góc với đường Mac-Mahon (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) tại số 44bis Bonard.

Đến năm 1892 nó cũng bị lấp cùng với hàng loạt kinh rạch nhỏ khác. Kinh Coffin trở thành đường Bonard, nay là đường Lê Lợi. Đây là con đường được coi là trung tâm thương mại của Sài Gòn xưa nay.

Rạch Chợ Lớn - Đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5)

Đường Hải Thượng Lãn Ông là phố buôn bán thuốc cổ truyền sầm uất với nhiều ngôi nhà cổ được TP HCM xếp hạng di tích. Khu vực này mang đậm dấu ấn của người Hoa trong hành trình khai phá, phát triển khu vực Chợ Lớn. Xưa, con đường này vốn là Rạch Chợ Lớn.

Từ kinh Tàu Hủ đi lên trung tâm Chợ Lớn, rạch Chợ Lớn nối kinh Phố Xếp, sau đó hướng Tây đến rạch Lò Gốm gần đồn Cây Mai, cạnh kinh Vòng Thành. Khúc gần Cầu Đường là bến Gaudot nơi có trụ sở nhà buôn Thông Hiệp của Quách Đàm.

nhung-kenh-rach-xua-thanh-dai-lo-dep-nhat-sai-gon-2

Rạch Chợ Lớn và đường Hải Thượng Lãn Ông ngày nay. Ảnh: TTXVN

Năm 1955 Rạch Chợ Lớn bị lấp biến thành đường Khổng Tử, nay là đường Hải Thượng Lãn Ông và đường Lê Quang Sung. Con rạch này còn có tên Cầu Đường vì lúc trước có một cây cầu như vậy bắc qua. Ở đó bán đủ thứ đường như đường thẻ, đường cát, đường phổi... theo học giả Vương Hồng Sển trong cuốn Sài Gòn năm xưa.

Kênh Phố Xếp - Đường Châu Văn Liêm (quận 5)

Kênh Phố Xếp hình thành khi người Hòa vừa từ cù lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai) về Chợ Lớn năm 1778. Họ có nhu cầu mở thêm phố chợ nên đào thêm kinh Phố Xếp, nối rạch Tàu Hủ cắt ngang rạch Chợ Lớn, lên hướng Bắc đến Chợ Rẫy (nay là Bệnh viện Chợ Rẫy).

Chợ Rẫy nằm trên gò đất cao, xung quanh đó người Hoa trồng rau cải để bán. Lúc này hoạt động buôn bán ở Chợ Lớn còn rất yếu, chỉ có Chợ Rẫy là phát triển.

Kinh Phố Xếp giúp vận chuyển rau cải ra rạch Tàu Hủ và đi khắp nơi. Kinh này tồn tại đến năm 1925 mới bị lấp, thành đại lộ Tổng đốc Phương (Đỗ Hữu Phương), nay là đường Châu Văn Liêm, Thuận Kiều.

Trục đường này kết nối với đường Hồng Bàng giúp người dân thành phố thuận lợi trong việc di chuyển từ trung tâm Sài Gòn ra khu Chợ Lớn và ngược lại.

Kinh Vòng Thành - Đường Nguyễn Thị Nhỏ (quận 5,10,11)

Khi Pháp chiếm Nam Bộ, tuy làm chủ được tình thế nhưng luôn phải đối phó với nhiều đợt tấn công của nghĩa quân từ Đồng Tháp Mười. Vì thế đô đốc Bonard cho đào kinh Vành Đai (Canal de Ceinture) hình vòng cung bao bọc phía bắc của Sài Gòn - Chợ Lớn, còn gọi là kinh Vòng Thành hay kinh Bao Ngạn (tức “bờ bao”).

Kinh bắt đầu đào năm 1875 theo quy hoạch của trung tá Coffyn. Kinh được xuất phát từ ngã ba giữa rạch Chợ Lớn và rạch Lò Gốm đến gò Cây Mai (nay là đường Nguyễn Thị Nhỏ, quận 11), vòng qua Phú Thọ, đến Hoà Hưng rồi đồ ra rạch Thị Nghè ở vị trí nay là cầu Công Lý. Bờ kinh là đường bộ cho lính canh phòng, dưới kinh là tàu chiến cỡ nhỏ di chuyển.

Kinh Vòng Thành dài 7 km, rộng 10 m, sâu 3 m do khoảng 40.000 nhân công tham gia đào đắp. Nhưng do dân phu đấu tranh và nghĩa quân đánh phá liên miên nên công trình dang dở dù đã đào được thành đường kinh, sau đó được lấp dần rồi thành đường Nguyễn Thị Nhỏ như hiện tại.

Ngoài 7 kinh rạch biến thành đại lộ trên, Sài Gòn còn một số con đường khác mà khởi thủy là tuyến lưu thông dành cho tàu bè. Có thể kể đến một số cái tên như Rạch ông Lãnh - Đường Nguyễn Thái Học, rạch Cầu Kho - đường Hồ Hảo Hớn...

Mới đây, TP HCM cho đào lại kênh Hàng Bàng đã lấp trước đó thành kênh mở để thoát nước, chống ngập. Kinh phí dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng.


Đệ nhất mỹ nhân Saigon và cái kết bi thảm

Đệ nhất mỹ nhân đầu tiên của Sài Gòn và cái kết bi thãm

"Cô Ba xà bông" là người đầu tiên đăng quang hoa hậu của Sài Gòn 150 năm trước, được in hình lên tem và là đại diện thương hiệu cho một hãng mỹ phẩm.

Cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn, năm 1865, có tên gọi Miss Sài Gòn. Không giới hạn trong phạm vi "Hòn ngọc Viễn Đông", cuộc thi còn cho phép những mỹ nhân từ các vùng phụ cận tham dự.

Cuối cùng, vượt qua gần 100 cô gái, vương miện Hoa hậu thuộc về cô Ba Thiệu, còn được biết với tên "cô Ba xà bông", con thầy Thông Chánh, quê gốc Trà Vinh.

de-nhat-my-nhan-dau-tien-cua-sai-gon-va-cai-ket-bi-tham

Người được cho là cô Ba Thiệu, hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn. Ảnh: Poujade de Ladevèze

Trước vẻ mỹ miều của cô Ba, nhiều người Pháp đã đề nghị cô chụp ảnh để đăng báo ở chính quốc. Họ rất muốn chụp cô trong trang phục áo tắm nhưng cô không đồng ý. Chân dung cô sau đó được vẽ rồi in thành tem với số lượng phát hành lớn chưa từng có ở Đông Dương. Cô là phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện trên con tem.

Trong cuốn Sài Gòn năm xưa học giả Vương Hồng Sển cho rằng trong giới huê khôi mà ông được kể lại vào thời Pháp mới đến thì cô Ba Thiệu đẹp không ai bì. "Cô đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực cao su nhân tạo. Tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng. Đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Bưu điện", học giả viết.

Là hoa hậu nhưng cô Ba sống bình dị, chân chất của một gái quê. Sau khi đoạt vương miện, cô bỏ lại ánh hào quang phù phiếm, không bị ảnh hưởng bởi lối sống ngoại lai. Một thời gian sau, Ba Thiệu lấy chồng.

Sau Ba Thiệu, Sài Gòn cũng nổi lên nhiều mỹ nhân tiếng tăm như Ba Trà, Tư Nhị, Sáu Hương… làm si mê bao công tử, đại gia không chỉ Sài Gòn mà cả Nam Bộ xưa. Các cô này được cho là ăn chơi phóng khoáng, cặp kè hết người này đến người khác. Họ ăn mặc sang trọng, ngày rong chơi, đêm đi nhảy đầm, đánh bạc bằng tiền những người tình đại gia cung phụng. Nhiều người tán gia bạn sản vì theo các cô, trong đó nổi tiếng nhất là Hắc, Bạch công tử của miền Tây.

Với Ba Thiệu, nếp sống này không phù hợp. Do xuất thân từ một gia đình gia giáo nên cô được dạy dỗ từ tấm bé, biết giữ ý tứ, truyền thống và văn hóa bản địa. 

de-nhat-my-nhan-dau-tien-cua-sai-gon-va-cai-ket-bi-tham-1

Hình cô Ba được in lên con tem ở Đông Dương. Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, cuộc đời hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn không được yên bình. Mẹ cô dù lớn tuổi nhưng nhan sắc mặn mòi, bị tên biện lý người Pháp Jaboin ỷ thế làm càn, thường xuyên theo đuổi rồi đưa ra những lời tán tỉnh, trêu ghẹo. Thầy Thông Chánh, cha cô Ba, không chịu được cảnh đó nên một lần đã rút súng bắn chết Jaboin.

Trong Truyện thơ Thầy Thông Chánh do một tác giả khuyết danh ở Trà Vinh sáng tác rồi truyền miệng rộng rãi ở miền Tây, cha cô Ba bắn tên biện lý vào ngày quốc khánh nước Pháp. Thầy Thông Chánh sau đó bị chính quyền Pháp xử tử. Cô Ba Thiệu bị bắt giam rồi tự tử chết.

Nhưng cuốn Hỏi đáp về Sài Gòn – TP HCM của nhiều tác giả xuất bản năm 2006 lại cho rằng, cô Ba mới là người cầm súng bắn chết tên biện lý Jaboin. Cô bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 rồi xử tử ngày 18/1/1894 tại Trà Vinh. Người đẹp lừng lẫy của Sài Gòn xưa dù theo tài liệu nào cũng có một cái kết buồn thảm.

Trong cuốn Sài Gòn tạp pín lù, học giả Vương Hồng Sển nói hình ảnh của cô Ba sau này được hiệu buôn xà bông của ông Trương Văn Bền sử dụng làm người mẫu trên các sản phẩm bán ra thị trường. Hàng bán rất chạy và được hầu hết người Việt mua sử dụng. Cô Ba thành "người mẫu" đầu tiên gắn liền với một thương hiệu Việt. Loại xà bông trong nước này đã đánh bật sự độc quyền của Hãng xà bông Marseille của Pháp thời đó.

de-nhat-my-nhan-dau-tien-cua-sai-gon-va-cai-ket-bi-tham-2

Thương hiệu xà bông, nước hoa... của ông Trương Văn Bền được cho lấy cô Ba Thiệu làm đại diện hình ảnh. Ảnh: Tư liệu

Cũng có một số tài liệu khác cho rằng hình người phụ nữ trên miếng xà bông không phải là cô Ba Thiệu mà là cô Ba có tên Trà, vợ của ông Trương Văn Bền. Nhưng với nhiều người Sài Gòn xưa, nhắc đến "xà bông cô Ba" là họ nghĩ ngay đến cô Ba con thầy Thông Chánh - người phụ nữ đầu tiên của Sài Gòn đăng quang hoa hậu.

Sơn Hòa

Lý giải mỹ danh 'Hòn ngọc Viễn Đông' của Sài Gòn xưa
Từ vùng đất hoang vu, hơn trăm năm trước người Pháp muốn biến Sài Gòn thành "Hòn ngọc Viễn Đông" để cạnh tranh với các thuộc địa khác của Anh.
Vùng Viễn Đông theo địa lý gồm các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Cuối thế kỷ 19, đầu 20, hầu hết các quốc gia này đều thành thuộc địa hoặc chịu ảnh hưởng của cường quốc phương Tây. Trong đó Pháp và Anh là hai nước xâm chiếm và mức độ cạnh tranh lớn nhất.

Ngay sau khi chiếm được Nam kỳ, Pháp bắt tay vào việc xây dựng Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu
Sự cạnh tranh của Anh, Pháp trong việc “khai hóa” các nước thuộc địa. Từ những năm 1895, Pháp tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng ở thuộc địa nhằm phát triển kinh tế. Họ đặt tham vọng vượt mặt nước Anh tại Singapore và HongKong.
Danh xưng "Hòn ngọc Viễn Đông" (La perle de l’Extrême Orient) xuất hiện để chỉ cho Sài Gòn. Đây được xem là thủ phủ của Đông Dương về kinh tế, giải trí để cạnh tranh với Singapore của người Anh.
Giai đoạn này, Sài Gòn từ thành phố hoang vu, được gọi là thị trấn giữa rừng (Prei Nokor) đã được người Pháp đầu tư xây dựng bài bản nhất so với các thành phố khác trong khu vực.
Dưới sự chỉ huy của trung tá công binh Coffyn, Sài Gòn được quy hoạch lại theo lối phương Tây. Giai đoạn này, khu vực trung tâm thành phố xuất hiện hàng loạt các công trình nổi bật còn tồn tại đến ngày nay như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát thành phố, Dinh thống đốc, Phủ toàn quyền...
Tuyến đường Catinat (Đồng Khởi ngày nay) được ví như trái tim của Sài Gòn khi tập trung nhiều điểm vui chơi, giải trí của thành phố. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn mọc lên dọc trục đường đã quy tụ giới tinh hoa, giàu có về tiêu xài, hưởng thụ.
Các công trình được xây trên khu đất đẹp, cao ráo, hướng ra dòng sông uốn lượn bao quanh là rừng. Trên kênh Lớn (đường Nguyễn Huệ nay) hay kênh Xáng (đường Hàm Nghi) có những khu chợ thông thương với sông Sài Gòn tấp nập người mua kẻ bán. Một thị trấn giữa rừng dần chuyển mình phát triển.
Những thương nhân ở Ấn Độ, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ... khi dong thuyền vượt biển qua trao đổi, buôn bán đều ấn tượng với thành phố mới nổi này. Họ neo thuyền dọc cảng Bến Nghé, Bạch Đằng lên bờ mua vải vóc, lụa là, châu báu rồi ghé những khu vui chơi sầm uất gần đó. Những thương thuyền này sau đó truyền miệng nhau tên gọi “Hòn ngọc Viễn Đông” - mỹ danh của Sài Gòn ra khắp thế giới.

Tuyến xe lửa Sài Gòn - Gò Vấp năm 1910. Ảnh: Tam Thái
Giao thông đường thủy được người Pháp ưu tiên phát triển, kênh Bến Nghé – Tàu Hủ trở thành tuyến thông thương chính cho thuyền bè từ Đông Nam bộ, miền Tây vào sâu trong Sài Gòn đến vùng Chợ Lớn.
Hàng chục bến bãi bốc dỡ, chuyển hàng hóa mà tên gọi còn đến ngày nay như bến Hàm Tử, Bình Đông, Chương Dương, Vân Đồn, Bạch Đằng… Dọc theo hai kênh là đường bộ mà hiện nay là đường Võ Văn Kiệt và Bến Vân Đồn (quận 4), Bến Bình Đông (quận 8).
Ngoài tuyến đường thủy, để kết nối với khu Chợ Lớn và phía Tây Sài Gòn ngày nay, các đại lộ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai... dần hình thành. Đặc biệt, khi xuất hiện chợ Bến Thành năm 1914, nhu cầu thông thương hàng hóa giữa khu vực trung tâm Sài Gòn và Chợ Lớn phát triển mạnh. Từ yêu cầu cấp thiết này, khu vực đầm lầy giữa Sài Gòn - Chợ Lớn được san lấp để mở đại lộ Trần Hưng Đạo ngày nay.
Năm 1885, tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương dài 70 km nối Sài Gòn – Mỹ Tho cũng được xây dựng. Đây là tuyến đường sắt thứ hai do người Pháp xây dựng ở nước ngoài, sau tuyến đường 13 km ở Pondichéry (Ấn Độ) năm 1879. Ga tàu lúc đó nằm tại công viên 23/9 ngày nay, tuyến đường do nhà thầu Joret của Pháp thi công.
Tuyến đường sắt đã hút một lượng lớn khách ở Sài Gòn thời điểm đó. Chính quyền thuộc địa thu lời lớn từ dự án. Năm 1896, tổng lãi thu được từ tuyến đường sắt là 3,22 triệu francs, đến năm 1912 lãi 4 triệu francs.
Phía đông thành phố, năm 1902, cầu Bình Lợi được khánh thành đưa vào sử dụng. Cây cầu rút ngắn tuyến đường đi Thủ Đức, Biên Hòa, thông với đường thiên lý Bắc Nam (Quốc lộ 1 hiện nay) của người Việt xưa.
Nếu so sánh về hạ tầng cơ sở, cùng thời, Sài Gòn bỏ xa Bangkok và Singapore. Nhưng lúc bấy giờ, Singapore có tầm quan trọng lớn về chiến lược khi nằm trên tuyến đường biển quốc tế, nơi thông thương của thương thuyền trên thế giới. Lúc này, Singapore cũng là hải cảng lớn nhất khu vực. 
Theo Kiến trúc sư Khương Văn Mười, lúc Sài Gòn được xem là “Hòn ngọc Viễn Đông” thì thành phố có quy mô nhỏ, phạm vi chỉ gói gọn ở trung tâm Sài Gòn ngày nay. Mỹ danh này cũng sớm kết thúc vào giữa thế kỷ 20.
Do chiến tranh cũng như người dân nông thôn đổ về thành phố ngày một đông khiến nó bị quá tải. Sài Gòn xuất hiện nhiều khu ổ chuột, người dân sống nhếch nhác ven kênh rạch, điều kiện vệ sinh, an ninh kém.

Kênh rạch ở Sài Gòn tràn ngập nhà ổ chuột trước năm 1975. Ảnh: Life
Còn PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Kinh tế Việt Nam - cho rằng, thập niên 60-70, Sài Gòn vẫn được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" - thành phố được định danh duy nhất ở khu vực. Trong khi Singapore lúc đó chỉ là đảo quốc hoang vu, Bangkok cũng ít người nhắc đến. Những quốc gia này lấy Sài Gòn như hình tượng để phát triển theo.
"TP HCM hiện phát triển hơn nhiều so với thời Hòn ngọc Viễn Đông nhưng những bước tiến đạt được chưa tương xứng tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu đua tranh với các thành phố có vị thế, chức năng tương tự trên thế giới. Những thành phố như Bangkok, Singapore, Busan... đã vượt lên, dù TP HCM có xuất phát điểm tốt hơn", ông Thiên nói.
Viện trưởng Kinh tế cho rằng, quan điểm của Việt Nam những năm gần đây đã thay đổi và đây là cơ hội để đưa cả nước và TP HCM lên đẳng cấp mới.
Theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng mong muốn đưa thành phố trở lại vị trí dẫn đầu. Ông thể hiện quyết tâm lấy lại mỹ danh "Hòn ngọc Viễn Đông" nức tiếng một thời mà quốc tế đã nói về Sài Gòn.